Hộ chiếu - Visa
HỘ CHIẾU
1. Có mấy loại hộ chiếu?
Theo quy định tại Thông tư 73/2021/TT-BCA, hộ chiếu có 03 loại gồm:
- Hộ chiếu ngoại giao, trang bìa màu nâu đỏ (mẫu HCNG): Cấp cho quan chức cấp cao của Nhà nước được quy định tại Điều 8 Luật Xuất nhập cảnh; được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.
- Hộ chiếu công vụ, trang bìa màu xanh lá cây đậm (mẫu HCCV): Cấp cho đối tượng thuộc Điều 9 Luật Xuất nhập cảnh như cán bộ, công chức, viên chức, Công an, Quân đội… được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.
- Hộ chiếu phổ thông, trang bìa màu xanh tím (mẫu HCPT): Cấp cho công dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, mẫu hộ chiếu còn chia ra làm 02 loại:
- Hộ chiếu có gắn chíp điện tử;
- Hộ chiếu không gắn chíp điện tử.
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được lựa chọn cấp hộ chiếu không gắn chíp hoặc hộ chiếu có gắn chíp. Riêng công dân chưa đủ 14 tuổi hoặc hộ chiếu được cấp theo thủ tục rút gọn thì chỉ được cấp hộ chiếu không gắn chíp điện tử.
2. Thời hạn của hộ chiếu được quy định thế nào?
Thời hạn của hộ chiếu được quy định tại Điều 7 Luật Xuất nhập cảnh như sau:
- Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn.
- Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn.
- Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
- Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 - 05 năm; được gia hạn 01 lần không quá 03 năm.
CẤP VISA
1. Có những loại visa nào?
Phân loại theo tính chất thì visa được chia thành 2 loại chính là visa dán và visa rời. Với visa du lịch dán, Đại sứ quán/ Lãnh sự quán sẽ đóng dấu hoặc dán visa vào hộ chiếu của đương đơn. Trong khi đó, visa rời thường được cấp dưới dạng đuôi pdf, bạn in file này ra và mang theo khi làm thủ tục xuất nhập cảnh vào nước sở tại.
Ngoài ra, nếu chia theo mục đích chuyến đi thì visa còn được cấp cho các mục đích: Du lịch, công tác, thăm người thân, du học, làm việc, lao động, khám chữa bệnh, nghệ thuật, hội nghị/ hội thảo,...
2. Một số điều cần biết về visa du lịch
Trước khi làm thủ tục xin visa du lịch, tùy vào quốc gia/ khu vực bạn đến mà tính chất thị thực sẽ được phân loại như sau:
- Xin visa khi đến: Xin visa tại sân bay hoặc cửa khẩu mà không cần xin trước tại Đại sứ quán/ Lãnh sự quán nước ngoài ở Việt Nam sẽ có các nước như: Nepal, Ấn Độ, Maldives, Sri Lanka, Iran, Kenya, Mali, Papua New Guinea, Madagascar, Tanzania, Togo, Tajikistan, Burundi, Mauritius, Zambia, UAE, Đông Timor.
- Miễn lệ phí khi xin visa: Các nước như Romania, Cuba, Mông Cổ, Nicaragua, Afghanistan, Algeria thì sẽ không cần thanh toán lệ phí visa, thay vào đó bạn chỉ cần hộ chiếu hợp lệ còn thời hạn, vé máy bay khứ hồi kèm thông tin về khách sạn lưu trú.
- Làm visa du lịch các nước khối Schengen: Khi xin visa đến một trong những nước trong khối Schengen, bạn có thể tự do nhập cảnh vào 26 nước trong khối, bao gồm: Áo, Bỉ, Đan Mạch, Cộng Hòa Czech, Estonia, Pháp, Đức, Hy Lạp, Phần Lan, Hungary, Iceland, Ý, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Malta, Hà Lan, Luxembourg, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Tây Ban Nha, Slovenia, Thụy Điển, Thụy Sĩ.
- Miễn visa du lịch: Hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á đều miễn visa cho công dân Việt Nam, những quốc gia đó bao gồm: Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Lào, Indonesia, Philippines, Brunei, Myanmar, Cộng hòa Dominica,…